ƯU ĐÀM

ƯU-ĐÀM ĐẠO TRÀNG HÂN HOAN ĐÓN CHÀO QUAN KHÁCH

Wednesday, August 13, 2014

CHUYẾN DU HÀNH MIỀN ĐÔNG BẮC


Hồi  Ký của Tâm Thái





Tôi bắt đầu chuyến đi ba tuần lễ đi về miền viễn Đông vào ngày 26 tháng 3, 2019. Một mình “thân gái dậm trường” vào vùng trời khá xa lạ “tìm thầy học đạo” và thử trải nghiệm cuộc sống khổ hạnh của người xuất gia là điều tôi muốn thực hiện từ lâu.


Rời phi trường McCarran, Las Vegas khoảng 12 giờ khuya để bay đến North Carolina.

Theo chương trình hoạch định tôi sẽ đến ở một tuần lễ tại thiền viện “Trúc Lâm Từ Ấn” nằm ngay trong một thành phố hẻo lánh có tên Lincoln, thuộc North Carolina.  Tuần thứ hai sẽ cùng Sư cô về tiểu bang Connecticut.  Tuần lễ thứ Ba tôi sẽ đến thăm một người bạn cũ ở tiểu bang New Hampshire cũng như đi thăm Thiền viện Bảo Chơn và vài tự viện khác cùng những địa danh chưa biết.
Tại thiền viện Từ Ấn, tôi sẽ sống với Sư cô Thích nữ Trí Quản nay đã 76 tuổi và mới đi xuất gia khoảng trên 10 năm nay.
Sư cô và tôi chỉ gặp nhau một lần cách đây khoảng 4, 5 năm trong dịp Tăng Đoàn Tây Tạng đến chùa Ưu Đàm ở Vegas, nơi tôi ở, để hoằng Pháp và kiến tạo Mạn Đà La (vẽ tranh bằng cát màu).

Tuy mới biết Sư cô nhưng tôi nhận thấy Cô là một vị nữ tu rất tinh tấn, có một trí huệ sáng suốt đáng kính nể. Chắc đã có nhân duyên với nhau từ kiếp trước, tôi được cô thương mến ngay từ buổi đầu tiên gặp gỡ và sau đó chúng tôi tiếp tục liên lạc cho đến ngày nay.

Ngồi trên chuyến bay đêm dài đăng đẳng trong tiếng động ì ầm như ru ngủ, tôi trằn trọc trên ghế liên tưởng đến chuyến đi về một vùng đất lạ. Tôi lan man suy nghĩ và nhận thấy như cuộc đời mình vắng bóng sự an bình hạnh phúc. Con người sống quá vội vã, thu thập, liên lạc, thông tin dồn dập nhanh như chớp qua đầu mấy ngón tay … Thế giới ảo đã đánh mất cuộc sống thật và làm ta quên đi thế giới tâm linh nơi mà ta có thể tìm thấy sự bình an của tâm hồn.   

Bản chất vốn ốm yếu, khó ngủ, tuổi tác thì đã “thất thập cổ lai hi”, trước khi đi tôi cũng hơi lo lắng vì nghĩ rằng sức khỏe mình có cho phép vượt qua những chặng đường di chuyển hay những ngày đêm dài ở những nơi xa lạ hay không? 

Trước khi đi tôi đã nghe Sư cô nói nhiều đến thiền viện Trúc Lâm Từ Ấn. Đây là vùng đất năm giữa một khu rừng rộng khoảng 16 mẫu tây với nhiều cây thông cao ngất và một con suối trong lành lặng lờ chảy ở cuối một ngọn đồi. Gia đình cô đã mua được khu rừng tọa lạc trên ngọn đồi này cách đây hơn hai năm. Người con trai út của Sư cô tức thầy Thái Phong, tuổi còn trẻ, đỗ đạt thành tài nhưng cuối cùng Thầy đã bỏ lại sau lưng tất cả để xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ về tu tập ở thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt. Sau một thời gian khá lâu Thầy trở lại Mỹ và đã đạt được ý định muốn tìm cho mình một nơi vắng vẻ thanh tịnh để tiếp tục hành đạo.

"Ba Y một bát hành vô ngại
Gánh nặng trần lao bỏ xuống rồi
Đường sinh tử ung dung tự tại
Rừng vô minh ngoảnh lại mỉm cười"
(Thích Thông Lạc)


Trên vùng đất mới, Thầy Thái Phong cho tiến hành  công trình xây dựng một thiền viện như mong muốn. Thầy vừa hoàn tất được một chánh điện và những thiền thất nhỏ đầy đủ tiện nghi để Chư Tăng Ni hay Phật tử đạo tâm muốn tạm lánh thế tục có thể đến nhập thất. 
Đến năm 2018 sau khi thiền viện hoàn tất, Sư cô đã có nhã ý mời tôi qua tu tập. Vì bận rộn gia đình chần chờ mãi tới hôm nay tôi mới thực hiện được.  
 Sau hơn 5 tiếng bay, khoảng 9 giờ sáng máy bay hạ cánh. 
Ra khỏi phi cơ, trong lúc đang ngơ ngác tìm đường để lấy hành lý, thì tôi đã nhận ra Sư cô và thầy Thái Phong đang đứng chờ từ đàng xa. Hơn 5 năm rồi cô và tôi chưa gặp lại nhau và nên Sư cô có vẻ ngỡ ngàng chưa nhận ra tôi ngay, có lẽ vì không thấy tôi trong bộ áo lam quen thuộc năm nào.
Tôi đưa tay vẫy vẫy chào.
-“ Ủa tưởng cô gái nào chứ! ”.Sư cô buộc miệng cười tươi rồi đưa hai tay ra chào đón.  
Tôi chắp tay vái chào thầy Thái Phong lần đầu được dịp diện kiến. Nhận hành lý xong ba chúng tôi ra xe thẳng tiến rừng thiền Trúc Lâm Từ Ấn.  Mọi việc tốt đẹp, tôi thấy phấn khởi trong lòng. Trên đường đi những đồng cỏ xanh mênh mông chạy dài không ranh giới. Thỉnh thoảng có một vài căn nhà gạch khá xưa nổi bật giữa trời xanh, và đặc biệt là mấy ngôi nhà thờ cổ nho nhỏ, kiến trúc trang trọng xinh xắn. Thỉnh thoảng tôi thấy có vài trang trại kế bên đường, vài ba con ngựa đứng thanh thản gặm cỏ.
Con đường càng ngày càng ngoằn ngoèo, không một chiếc xe hay bất cứ cư dân nào xuất hiện. Cảnh vật thật thanh bình vắng lặng!  
Dưới ánh nắng hanh vàng của buổi sáng đẹp trời trong bầu không khí mát rượi, sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài hầu như đã tan biến. Tôi đã khỏe hẳn ra.
Mải mê ngắm cảnh, thì xe đã tới nơi. Thầy Thái Phong đưa tôi thẳng thiền thất của Sư cô Trí Quán.    
Tôi bỗng nhớ mấy câu trong kinh Hạnh Phúc, Đức Phật từng dạy rằng:
"Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự Pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất"...

Sau khi xếp đặt  hành lý và nghỉ ngơi được vài tiếng thì nghe tiếng điện thoại. Thầy Thái Phong mời Sư cô và tôi qua nhà ăn dùng trưa do thầy tự nấu lấy, tuy thanh đạm nhưng thật ngon miệng.


Trong mấy ngày sắp đến tôi sẽ thực tập nếp sống của người tu hành và cố gắng để lại sau lưng tất cả bụi trần đã bám theo tôi cho tới giờ phút này.  
Trong vài ngày nữa thiền viện sẽ có thêm hai cô con gái và người con rể của Sư cô cùng một số Phật tử Connecticut tới.
Thường buổi chiều  thầy Thái Phong đều có hướng dẫn thiền hành và tụng kinh.  
Nơi đây nghe Thầy nói thỉnh thoảng cũng có vài người Mỹ địa phương đến học thiền.
Mỗi buổi sáng tôi theo Sư cô dậy khoảng 4-5 giờ để ngồi thiền khoảng 45 phút và tụng Bát Nhã Tâm Kinh tại tư thất riêng của Sư cô.
Chánh điện của chùa được nối liền với căn bếp vừa làm phòng ăn rất rộng rãi kê những dãy bàn dài  dành cho những ngày có lễ lớn. Tôi được may mắn sống với Sư cô Trí Quản trong một thất biệt lập khá tiện nghi và yên tĩnh.


Tại đây, các thiền thất được tạo dựng toàn bằng cây  thật đẹp và có phòng tắm riêng. Tất cả đều do thầy Thái Phong và một số thành viên trong gia đình tự bỏ công sức và thời gian để hoàn thành.
Bao bọc xung quanh đây là cả một rừng cây cao ngất vẫn còn trụi lá sau một mùa đông buốt giá. 
Trong những lúc rảnh rỗi, tôi hay lang thang thơ thẩn theo những con đường mòn, để hồn bay bổng, hòa mình với núi rừng bao la, thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng.
Tôi tự nhủ lòng tận dụng giây phút tuyệt vời này để an trú trong hiện tại! Tuy chưa đủ duyên để khoác áo nâu sòng vì cuộc đời chưa thoát khỏi vòng tục lụy, nhưng tôi cảm nhận như đã một phần nào giác ngộ.

Ta chọn ngây ngô, khờ khạo
Mặc đời thấy thế bảo "ngu"
Sự thật vì khi biết Đạo
Hiểu rằng...tất cả phù du...

Ta nguyện trọn đời áo nâu
Vì muốn quay về Tĩnh Lặng
Sống thanh thản, bớt mong cầu
Bình yên giữa đời mưa, nắng...

Và thích Cho hơn là Nhận
Cho đi hạnh phúc hơn nhiều!
Dù ta không giàu tiền bạc
Xin mãi giàu..tình thương yêu..."
(Thích Tánh Tuệ)

Có một lần được Thầy Thái Phong chở tôi  và Sư cô xuống đồi, đi thăm rừng bằng xe golf. Xe chạy tới cuối rừng dưới chân đồi, chúng tôi dừng lại ngồi ngắm giòng suối trong vắt uốn mình giữa bãi cỏ hoang xanh mướt đầy hoa dại, kế cạnh khu rừng này có rất nhiều nai, thỏ, sóc thường lui tới.

Có mấy ngày trời nắng ấm, con gái Sư cô, tôi và mấy chị Phật tử "hiking" theo mấy trails nhỏ xuống suối ngoạn cảnh chụp hình kỷ niệm. Cảnh đồi núi thanh tịnh này làm chúng tôi hồn nhiên như những đứa trẻ thơ, quên mọi ưu tư, lo lắng. 
Các con của Sư cô đều hiểu đạo và chịu khó tu tập mặc dù tuổi đời còn quá ít. Họ đã may mắn có Thầy Thái Phong và một thiền viện tuyệt vời để tu tập. Thật là một gia đình có nhiều phước báu.

Một tuần lễ trôi qua rất nhanh, toàn bộ chúng tôi giã từ thiền viện cùng lái xe về thăm lại ngôi nhà xưa của Sư cô, nay là tư gia của Thảo, con gái Sư cô ở Connecticut. Tôi rất có cảm tình với Thảo, tuy mới gặp lần đầu. Có lẽ Thảo đã có rất nhiều điểm tương đồng với con gái của tôi: ăn chay trường, chủ trương độc thân, tự do và có một triết lý sống rất gần đạo Phật.



Từ North Carolina tới Connecticut phải mất hơn 12 tiếng lái xe. Ngang qua mấy tiểu bang như  New Jersey, Maryland, VA, New York…và xe phải dừng lại nhiều lần để tạm nghỉ.

Tại nhà Thảo, tôi có thêm thời gian tu học với Sư cô và đi tham quan thành phố.



Tôi được Thảo chở đi biển, chỉ cách nhà hơn 1 mile. Trên đường về chúng tôi ghé thăm Yale University. Khuôn viên đại học Yale quá sức lớn. Ngoài đường lộ, xe bus, các cửa hàng thương mại đa phần đều mang "logo" của đại học này

Tôi thích nhất là ngày viếng Thiền viện Bích Nham của thầy Nhất Hạnh - Blue Cliff Monastry. Nơi này ở Hudson Valey thuộc tiểu bang New York, tọa lạc giữa một rừng cây thiên nhiên xanh tươi rộng khoảng 80 mẫu. Chúng tôi đến giữa trưa nên được quý Sư cô ở đây cho mỗi đứa một dĩa cơm chỉ có mắm Thái và rau đậu nhưng rất ngon và tinh khiết. Bản chất ăn chậm, nhưng hôm đó tôi đã vét sạch dĩa thật nhanh vì quá đói.



Thiền viện Bích Nham toàn là những tu sĩ trẻ tuổi, có học thức. Đa số tu viện theo pháp môn của Sư Ông Làng Mai nên thường sinh hoạt với người Tây phương nhiều hơn người Việt. Sau khi thăm hỏi trò chuyện với quý Sư cô và cúng dường Tam Bảo xong chúng tôi xin đi thăm thiền đường. Ở trên tường tôi thấy treo nhiều Thư Pháp của Sư Ông:
'Peace in oneself.  Peace in the world '
hoặc
"Chỉ biết rong chơi miền Tịnh độ
Làm người một kiếp cũng như không"v..v.

Sáng Chủ Nhật, ngày cuối cùng ở Conncticut, tôi và Thảo đi Thiền viện Woo Ju của người Tàu được bao quanh bởi rừng cây cao và cạnh đó là một hồ nước  rất lớn, có mấy chú vịt bơi lội rất là an lành.  Khi vào tới chánh điện đúng lúc quý Chư Tăng Ni và Phật tử đang tổ chức làm lễ cầu siêu bằng tiếng Tàu với rất đông đảo Phật tử. 



Sau khi lễ Phật, cúng dường, chúng tôi lặng lẽ xuống trai đường. Cạnh quầy thức ăn có một thùng giấy viết chữ “Donation" rất lớn, bên dưới viết hàng chữ nhỏ phải chú ý mới thấy để giá $6 mỗi người. Chúng tôi "ráng nuốt" cho xong phần cơm canh của mình, chụp vài tấm hình xong ra về sớm hơn dự định.



Tuần thứ hai trôi qua! 
Tạm biệt Conecticut, chia tay Sư cô và cháu Thảo dễ thương để tiếp tục cuộc hành trình. Ngày mai người bạn cũ học chung trường trung học Võ Tánh Nha Trang lúc xưa sẽ cùng con gái đến đón tôi về nhà chơi. Bạn tôi, Cảnh Tịnh ở thành phố Nashua, thuộc tiểu bang New Hamphire. Nghe nói Nashua là thành phố cổ lớn thứ hai của New Hamphire cũng là một nơi được bầu hai lần  “Best Place to Live in America”.
Từ Connecticut lái về nhà phải mất hơn 2 tiếng rưỡi nhưng hai đứa bạn thân mới gặp lại thi nhau nói chuyện nên thời gian qua thật nhanh.
Ngủ qua một đêm, sáng hôm sau Cảnh Tịnh đưa tôi dạo quanh thành phố, qua khu Shopping lớn nhất ở đây  rồi ghé tiệm Việt Nam ăn phở chay. Tuy là tiệm ăn nhưng nấu thua phở chùa Ưu Đàm rất nhiều. Nhưng là khách phương xa, tôi không đâu có sự lựa chọn.  


Tư gia Cảnh Tịnh


Ngày kế chúng tôi dậy sớm đi thăm TV Bảo Chơn của Thầy Tuệ Mãn mà cô con gái Cảnh Tịnh đã xuất gia làm đệ tử gần 4 năm nay. Gặp ngày tuyết rơi phủ đầy cảnh vật một màu trắng xóa, đã giữa tháng Tư mà mùa Đông còn luyến tiếc chưa muốn ra đi.

Nhin hồ sen của ngay trước cỗng chùa vẫn còn đông đá, khí lạnh bao phủ. Mặc dù đã cẩn thận mang nón len, khăn quàng đầy đủ nhưng tôi vẫn còn cảm thấy lạnh. Thầy trù trì hôm đó không có mặt, chùa chỉ có hai Sư cô khá lớn tuổi tiếp chúng tôi.


Thứ Sáu, cháu Hưng, con trai Cảnh Tịnh tình nguyện xin nghỉ một ngày đưa chúng tôi đi thăm Đại Học danh tiếng Harvard ở Boston.  


Ngày thứ Bảy, Trang, em gái của Cảnh Tịnh chở chúng tôi đi Boston chơi và ghé trạm du lịch lấy vé đi “Boston Duck Tour”. Đây là một loại xe vừa chạy trên đường vừa lội được xuống nước. Xe chạy trên dòng sông dọc theo đường cho du khách ngắm cảnh. Chấm dứt tour, chúng tôi đi ăn nhà hàng Nhật. Nơi đây đa số khách sinh viên, giá cả phải chăng và cũng khá ngon. 



Cuộc vui nào cũng có lúc tàn.  Tuần thứ ba chuyến du hành của tôi đã trôi qua như chớp mắt.
Buổi sáng sắp chia tay, thành phố Nashua buồn lạ. Bầu trời mang một màu xám thê lương ảm đạm. Mưa buồn rả rích. Đúng là “mưa ướt ngoài trời mưa ướt trong lòng”…
Xin tạm biệt Nashua!
Xin tạm biệt bạn hiền!
Buồn ơi chào Mi!
Đứa nào cũng đã "thất thập cổ lai hy", biết bao giờ gặp lại đây? 
Sau ba tuần lễ du hành, hàng chục giờ bay trên bầu trời, hàng trăm dặm đường lái xe đi khắp chốn, tôi đã về lại mái nhà quen thuộc.
Tuy thân thể già nua ho hen mệt mỏi nhưng sau những ngày dong duổi tôi đã học hỏi được nhiều điều hay mới lạ, hữu ích.  Thấu cảm được nhiều niềm đau nỗi khổ trong quá khứ của những người tôi đã gặp trong cuộc hành trình này.

"Chữ Nhân Ngã đã đong đầy nước mắt
Cuộc đời ơi xuôi tận mấy giang hà
Chấp tay lạy muôn phương về hội tụ
Bên đời sẽ  vang mãi khúc hoan ca"

Xin cảm niệm ân đức cô Trí Quán và Thầy Thái Phong đã gieo duyên lành cho tôi được sống những phút giây an nhiên, tự tại chốn thiền môn thanh tịnh của người xuất gia.

Xin cám ơn cháu Thảo đã bỏ thì giờ quý báu làm hướng dẫn viên  thăm viếng chùa chiền và những nơi mà cô chưa hề đặt chân tới.

Xin cám ơn cô bạn Cảnh Tịnh cùng toàn thể gia đình đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui hạnh phúc và thân thương trong những ngày gặp nhau ở Nashua.

Nguyện đem tâm thanh tịnh
Cầu pháp giới chúng sanh
Thoát ly luân hồi khổ
Phật đạo chóng viên thành.

 Las Vegas, 
Hạ tuần tháng 5 năm 2019





No comments:

Post a Comment